ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
XÂY DỰNG HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT (SRP/ GAP/ ORGANIC) DỰA TRÊN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG/ ĐÁNH GIÁ
NHU CẦU CỦA CÁC NHÓM/ HỢP TÁC XÃ
I. Giới thiệu
Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ Á châu (AOI) quy tụ những nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn sản xuất hữu cơ và chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của khách hàng. Với cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín, tận tâm và tâm huyết cho phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ, viện AOI đã đồng hành với các doanh nghiệp và các tỉnh tổ chức thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cơ từ năm 2015 đến nay ở ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… và đang hướng đến các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Trung… trên một số cây trồng chính như lúa, tiêu, xoài… đạt các tiêu chuẩn quốc tế: châu Âu (EU), Hoa Kỳ (USDA) và Nhật Bản (JAS). Viện AOI sẽ đáp ứng yêu cầu của công ty và cá nhân trong việc đào tạo, tư vấn và trực tiếp cùng nhau xây dựng mô hình sản xuất các loại cây trồng hữu cơ đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam, nhằm tăng giá trị nông sản, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và gìn giữ môi trường bền vững.
Với lực lượng cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn bền vững, dựa trên đánh giá nhu cầu của các nhóm/HTX và nông dân, đã biên soạn hoàn thành bộ tài liệu dành cho tập huấn nông dân sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn bền vững như Kiểm soát dư lượng, VietGAP, GlobalGAP, SRP, sản xuất lúa Oganic, liên kết chuỗi giá trị sán xuất lúa gạo và liên kết theo Nghị định 98/2015/NĐ-CP. Bộ tài liệu kết hợp với tập huấn có thể hỗ trợ nông dẫn trong quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp liên kết bao tiêu yêu cầu.
Dự án: “Thúc đẩy hợp tác khu vực tư nhân nhằm phát triển mô hình kinh doanh toàn diện (IB) và đầu tư có trách nhiệm (RI) trong chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam”
Chương trình Quyền Lương thực (Right to Food), 2019 – 2020
Các hoạt động hợp tác giữa VCCI và AOI bao gồm:
- Đánh giá nhu cầu của SSPs, tăng cường liên kết nhóm và phát triển quan hệ đối tác;
- Nâng cao năng lực cho các nhóm nông dân/hợp tác xã về việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững (organic, SRP, GAP) và thúc đầy liên kết với SMEs;
- Đánh giá nhu cầu của SMEs về kinh doanh bao trùm và bền vững;
- Thúc đầy chính quyền địa phương xây dựng chính sách thuận lợi cho phát triển PPP/PPC trong chuỗi giá trị lúa gạo.
II. Mục tiêu của hoạt động tư vấn về nội dung xây dựng hướng dẫn kỹ thuật (SRP/GAP/Organic) dựa trên kế hoạch hành động/đánh giá nhu cầu của các nhóm/ hợp tác xã (Hoạt động 2.1)
Mục tiêu của hoạt động tư vấn (Hoạt động 2.1)
- Biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP/GAP/Organic/an toàn dư lượng phục vụ tập huấn cho các HTX/THT liên kết với các doanh nghiệp trong vùng dự án (Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL nếu có)
- Tài liệu phải đảm bảo tính mới, tính khoa học và thực tiễn, tính phù hợp với điều kiện sản xuất liên kết của các HTX/THT và các Doanh nghiệp Đại Dương Xanh, Gentraco, Highland Dano, Hồng Tân Food, Hoàng Minh Nhật, Cty NN Lúa-tôm.
- Các tài liệu được biên soạn sẽ là công cụ cho việc tập huấn các HTX/THT và nông dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn nói trên.
- Tổ chức các hoạt động tham vấn, chia sẻ các tài liệu cho các Doanh nghiệp/HTX/THT và nông dân áp dụng vào các chuỗi sản xuất liên kết cụ thể.
III. Phạm vi công việc và thời gian thực hiện
- Mỗi chuyên gia chỉ biên soạn một tài liệu cụ thể trong số các tài liệu liên quan các tiêu chuẩn SRP/GAP/Organic/an toàn dư lượng…
- Nhóm tư vấn sẽ rà soát, đánh giá các tài liệu liên quan hiện có từ các nguồn khác nhau để biên soạn phù hợp nhất với từng chuỗi liên kết sản xuất với các tiêu chuẩn cụ thể. Ví dụ, Doanh nghiệp Đại Dương Xanh liên kết sản xuất lúa hữu cơ với các HTX Thuận Phát, Thạnh An; Gentraco với HTX Tây Thạnh sản xuất SRP; Highland Dano liên kết HTX vĩnh Gia sản xuất đậu nành luân canh lúa và lúa an toàn dư lượng, Hồng Tân Food liên kết THT ấp 15 sản xuất lúa an toàn dư lượng và hữu cơ; cty Hoàng Minh Nhật liên kết sản xuất an toàn dư lượng; Cty NN Lúa-tôm liên kết THT xã Thạnh Yên sản xuất lúa hữu cơ v.v...
- Địa bàn thực hiện là Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL (nếu được chọn) và thời gian thực hiện trong tháng 2 và 3 năm 2020.
- Đầu ra của hoạt động tư vấn
Đầu ra của hoạt động tư vấn gồm bộ tài liệu tập huấn các tiêu chuẩn sau:
- Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP
- Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP/GlobalGAP)
- Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn an toàn dư lượng (theo yêu cầu nước nhập khẩu EU và US)
- Kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế EU, USDA và JAS
- Phương pháp sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, sinh học
- Quản lý hoạt động và thành viên nhóm tư vấn
Nhiệm vụ tư vấn sẽ được thực hiện bởi nhóm tư vấn được tuyển chọn phù hợp từ 2-5 chuyên gia có đủ khả năng và chuyên môn phù hợp. Nhóm chuyên gia sẽ chọn một trưởng nhóm chịu trách nhiệm chung và được hỗ trợ bởi cán bộ phụ trách dự án của Viện AOI.
Viện AOI chịu trách nhiệm phối hợp các bên liên quan tại địa bàn 3 tỉnh dự án và tỉnh khác được chọn bổ sung, nhằm hỗ trợ chuyên gia trong việc triển khai các hoạt động liên quan.
- Tiêu chí chọn tư vấn
Nhóm tư vấn được kỳ vọng có hững bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm sau:
- Có bằng Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ trong ngành nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế phát triển, Quản lý có liên quan với HTX/THT và Doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực được chọn phân công.
- Đặc biệt trường hợp chuyên gia có bằng Kỹ sư/hoặc tương đương thì là người có kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ, từng tham gia đánh giá, tư vấn chứng nhận mô hình sản xuất hữu cơ có kết quả được chứng nhận. Hoặc có Giấy chứng nhận đã được đào tạo/tập huấn lĩnh vực chuyên môn đang tuyển chọn và được BGĐ AOI chấp thuận.
- Có kiến thức và kinh nghiệm về các tiêu chuẩn sản xuất Organic, SRP, GAP, an toàn dư lượng…và có các chứng chỉ và sáng kiến được ứng dụng trong chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL.
- Chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm trong giảng dạy các chủ đề liên quan nông nghiệp bền vững, hữu cơ organic, SRP, GAP, an toàn dư lượng sản phẩm xuất khẩu và liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ được ưu tiên.
- Có kinh nghiệm thực tế về bình đẳng giới, có sự quan tâm, ưu tiên cho giới nữ trong thiết kế tài liệu tập huấn liên quan và triển khai hoạt động dự án.
- Có kinh nghiệm về tài liệu hóa và phân tích, đánh giá tác động dự án
- Có kỹ năng tốt về hợp tác, tổ chức, xây dựng mạng lưới hoạt động theo nhóm (Team work) và kinh nghiệm điều phối nhóm chuyên môn.
- Có kỹ năng tốt về tổng hợp, phân tích đánh giá và truyền đạt thông tin.
VII. Báo cáo tại Viện AOI
Nhóm tư vấn có trách nhiệm báo cáovà chia sẻ kết quả biên soạn tài liệu với Nhóm quản lý dự án thuộc AOI. Các kiến nghị và phản hồi từ dối tác cũng như trong buổi tọa đàm sẽ dược ghi nhận để bổ sung hoàn thiện tài liệu và các hoạt động liên quan sau đó.
VIII. Thời hạn nộp Đề xuất Kỹ thuật và Tài chính
Đề xuất kỹ thuật và tài chính với bản kế hoạch làm việc chi tiết, cùng với CV(s)/ Lý lịch khoa học của các chuyên gia, thành viên nhóm tư vấn cần được gởi đến Viện AOI trước ngày 19/4/2020. Chỉ các ứng viên được lựa chọn vào vòng phỏng vấn sẽ dược thông báo bởi AOI.