AOI đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững

Pin It

Tóm tắt: Nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Nông nghiệp hữu cơ đảm bảo nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái… Tuy nhiên, để có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề khó khăn như: Áp lực của tăng năng suất, thói quen của người dân về sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, quy trình sản xuất khắt khe, đặc biệt nông nghiệp hữu cơ cần nhiều vốn để cải tạo đất, sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh và xử lý nguồn nước …

Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó và trước hết là những giải pháp tạo vốn như: Giảm chi phí tăng tích lũy; Khuyến khích phát triển mô hình trang trại hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp; Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác thích hợp, Hoàn thiện chính sách và các hoạt động quản lý vĩ mô đối với nông nghiệp hữu cơ.

Organic agriculture in Vietnam - capital needs and mobilization solutions

Abstract: Organic agriculture is an inevitable development trend to meet the needs of sustainable development. Organic agriculture ensures the improvement of products’ quality, produces clean products with food hygiene and safety guarantees, while improving economic efficiency and contributing to the ecological environment protection... However, in order to develop organic agriculture in Vietnam, it is necessary to focus on solving issues such as: Productivity increase pressure, people's habit on using chemicals in agricultural production, rigorous production processes, especially organic agriculture needs a lot of capital to improve soil, produce organic fertilizer, microbiological fertilizer and water treatment ...

Vietnam needs to implement a number of major measures to develop organic agriculture, including capital raising measures such as: Reducing costs and increasing accumulation; Encouraging the development of organic farming model combined with agricultural tourism; Developing appropriate forms of cooperation; Completing policies and macro management activities for organic agriculture.

1. Tính tất yếu của nông nghiệp hữu cơ

Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều  kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong  hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Với phương thức canh tác như trên, nông nghiệp hữu cơ có vai trò vô cùng to lớn không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Cụ thể, nông nghiệp hữu cơ có vai trò chủ yếu như sau: Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất; Ít gây ô nhiễm nguồn nước; Đảm bảo đa dạng sinh học cao; Đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt; Nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường.

Với những vai trò quan trọng như trên, có thể khẳng định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tất yếu khách quan không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.

2. Thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ và nhu cầu vốn cho phát triển ở Việt Nam

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới, vì vậy được các nước quan tâm đầu tư phát triển mạnh.  Ở Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng trong những năm 50 của thế kỷ trước. Phương thức canh tác truyền thống: nhất nước, nhì phân (phân hữu cơ), tam cần (đúng thời vụ), tứ giống (giống tốt địa phương) đảm bảo được nhiều ưu thế trong sản xuất nông nghiệp như chất lượng sản phẩm tốt, môi trường sinh thái được bảo vệ ở mức độ cao. Nhưng hạn chế lớn nhất của phương thức canh tác này là năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, ví dụ lúa năng suất chỉ đạt khoảng 2-3 tấn/ha, lợn chỉ đạt 30-40 kg/ con, và với năng suất đó không có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Trong thập niên 60 - 70, phong trào thâm canh tăng năng suất sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, với phương thức canh tác được cải tiến như tăng cường bón phân hữu cơ, phân xanh, thả bèo hoa dâu và từng bước đưa giống mới vào đã tạo bước đột phá về năng suất như lúa đạt 5 tấn/ha, lợn đạt khoảng 60 kg/con. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hóa học, trong sản xuất nông nghiệp đã sử dụng nhiều hơn các loại hóa chất kích thích sự tăng trưởng cây trồng, vật nuôi và một số loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại. Điều này đã mang lại hai kết quả trái ngược nhau, một mặt, năng suất cây trồng vật nuôi tăng cao, mặt khác, việc sử dụng nhiều hóa chất đã dẫn đến an toàn thực phẩm không đảm bảo và môi trường sinh thái bị phá hoại.

Trước thực trạng trên, Việt Nam cũng như các nước khác đã quan tâm nhiều đến nông nghiệp sạch, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, vì vậy diện tích nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng tăng lên

Theo FiBL và IFOAM (2016), năm 2014 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 ha, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 ha mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 ha cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam lên hơn 65.000 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007-2014.

Năm 2016 diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000 ha (Sơ đồ 1). Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá nhỏ so với 50,9 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.

Sơ đồ Diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam 2007-2016

(Nguồn: Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) ở Việt Nam. Dẫn theo FiBL và IFOAM, 2016)

Từ các phân tích trên, có thể thấy được xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, với một nước đất chật người đông thì áp lực về gia tăng sản lượng vẫn là mục tiêu phải hướng tới, trong khi mà năng suất cây trồng vật nuôi  của nông nghiệp hữu cơ không thể so được với nông nghiệp hóa chất và nông nghiệp hóa chất có kiểm soát. Trong khi đó, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất chặt chẽ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại cần có thời gian và vốn lớn để cải tạo đất, sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, và xử lý nguồn nước… nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của sản phẩm... Với một nền nông nghiệp còn lạc hậu, quy mô nhỏ, khả năng tài chính còn hạn chế thì quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ có những khó khăn phức tạp nhất định cho dù Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp sạch nói chung và phát triển nông nghiệp hữu cơ nói riêng, nhưng việc thực hiện các chính sách đó vẫn còn nhiều hạn chế làm cho khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ phía Nhà nước cũng không dễ dàng gì, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết.

3. Kiến nghị những giải pháp huy động vốn chủ yếu

a.  Giảm chi phí, tăng tích lũy

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, điều quan trọng trước hết là các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phải tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất và tăng tích lũy. Hiện nay đã có nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ làm ăn có hiệu quả nhờ giảm được chi phí thông qua kinh doanh kết hợp giữa các sản phẩm như: mô hình lúa hữu cơ với chăn nuôi vịt, thủy sản của anh Võ Văn Tiếng tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, với thương hiệu gạo hữu cơ Tâm Việt, được thị trường đón nhận. Với mỗi ha lúa hữu cơ, cho năng suất hơn 4 tấn/vụ, dù thấp hơn cách sản xuất thông thường, nhưng lợi nhuận thu được hơn 18 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thông thường 8 triệu đồng/ha. Đồng thời, trên ruộng lúa hữu cơ, trang trại có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi vịt, cá, hoa màu mà không mất chi phí thức ăn. Hay Tập đoàn TH, đang phát triển trang trại bò sữa hữu cơ với số lượng 1.000 con. Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, Tập đoàn đã đầu tư cánh đồng cỏ và bắp hữu cơ hơn 300 ha tại tỉnh Nghệ An, qua đó tăng thu nhập cho người chăn nuôi bò, giảm chi phí sản xuất và có thể duy trì đàn bò ổn định.

Để giảm chi phí các trang trại, các HTX dịch vụ nông nghiệp cần đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phân ủ với nguồn phân chuồng, phân xanh, rơm rạ… với chi phí giảm nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả.

b.  Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp

Trong điều kiện hiện nay khi mà các hộ nông dân và các trang trại có khả năng tài chính yếu thì một trong các hình thức huy động vốn có hiệu quả đó là phát triển các mô hình kinh doanh nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tối đa hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ và từ du lịch nông nghiệp mang lại. Để phát triển mạnh mô hình này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như: Có chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp sạch, chiến lược quảng bá các mô hình nông nghiệp hữu cơ; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng kết hợp phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thu hút được khách du lịch, các cơ sở cần thực hiện tốt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phải tiến hành quy hoạch, thiết kế mạng lưới hạ tầng đồng bộ như giao thông nội bộ, hệ thống tưới tiêu, mạng lưới điện, hệ thống cây cảnh, nơi tham quan vườn cây, ao cá, chuồng trại, nơi nghỉ ngơi… nhằm tạo điều kiện để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và mua sắm sản phẩm hữu cơ.

d. Thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác thích hợp

Liên kết, hợp tác cũng tạo nên những khả năng to lớn về huy động vốn để thực hiện nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả. Hiện nay đã có nhiều mô hình góp vốn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ví dụ dự án sản xuất gạo hữu cơ Hoa Nắng đã nhận đầu tư 10 tỷ đồng từ “cá mập” Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM). Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng, cho biết: “Chúng tôi tập trung vào sản xuất và thị trường, không phải lo chạy tiền như trước. Nhà đầu tư không chỉ cung cấp vốn mà còn hỗ trợ quản lý dòng tiền, giới thiệu thêm khách hàng...”. Hay dự án sản xuất nông sản hữu cơ kết hợp du lịch của Công ty CP Măng Đen Xanh (Kon Tum) đã gọi vốn được 1,5 tỷ đồng (chiếm 50% cổ phần). Theo ông Võ Lâm Vũ - Giám đốc công ty, năm 2019, Măng Đen Xanh sẽ cố gắng lấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và bắt đầu đón khách du lịch. “Chúng tôi cũng kêu gọi các suất đầu tư nhỏ, từ 10 triệu đồng, để nhiều người có thể tham gia. Họ sẽ có sản phẩm hữu cơ từ “vườn nhà” và có điểm du lịch “của mình”.

Như vậy hình thức góp vốn là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên để phát huy những lợi thế trong liên kết góp vốn sản xuất nông ngiệp hữu cơ, cần tôn trọng nguyên tắc cùng có lợi, cùng chia sẻ.

đ. Hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ

Việc không ngừng hoàn thiện các chính sách kinh tế của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ  cũng là một biện pháp tạo vốn rất quan trọng để đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

 Đây là những tín hiệu rất tốt, tuy nhiên thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ như chính sách khuyến khích tích tụ đất đai và miễn giảm thuế cho các cơ sở sản xuất phân hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ… Đồng thời đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Để các chính sách đi vào cuộc sống, ngoài việc hoàn thiện chính sách cần cải tiến công tác lãnh đạo và chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Trước hết là cán bộ trực tiếp lãnh đạo ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ ngành có liên quan và cơ quan quản lý ở các địa phương, phải nâng cao trình độ, không ngừng nâng cao phương pháp công tác và tinh thần trách nhiệm đối với công việc trên cơ sở đó mới giải quyết đúng đắn các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo nông nghiệp hữu cơ.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

2. FiLB and IFOAM (2016), The World of Organic Agriculture: Statistics and Emerging Trends 2016.

 3. Nguyễn Văn Bộ (2017)Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm. https://sokhcn.vinhphuc.gov.vn /noidung/tintuc/Lists/.../View_Detail.aspx?ItemID....

4. Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (2017), Tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xu thế hội nhập, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ”.

5. Andre Leu (2017), Development of Organic Agriculture, suggestions to the Government of Vietnam, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ”.

6. Nghị định 108/NĐ-CP Năm 2017  về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ

7.  Nghị định về nông nghiệp hữu cơ số 109/2018/NĐ-CP ban hành ngày 29/8/2018

8. Khoahocphothong.com. vn/Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả. TTXVN

9. https://nld.com.vn › Kinh tế/Nhà đầu tư hứng thú hơn với nông nghiệp hữu cơ - Người lao động

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1+2 năm 2020

Liên hệ

Địa chỉ: 54/17 Bùi Quang Là, P.12, Quận Gò Vấp, TP. HCM.

Điện thoại: (+84) 989 596 877

Email: vienhuucoachau@gmail.com

 

MAP

Facebook