Hội nghị trực tuyến ngày 15/9 mở rộng kết nối, tầm nhìn tương lai cho những cánh đồng Việt Nam.
Công ty Mekong Organics có trụ sở tại Canberra (Australia) đã khởi động Dự án “Thúc đẩy chứng nhận thương mại thực phẩm hữu cơ giữa Australia và Việt Nam”, với sự tài trợ của Chính phủ liên bang Australia. Mở ra cơ hội thay đổi tư duy canh tác, gia tăng chất xám, tạo nền móng vững chãi cho nền nông nghiệp hữu cơ.
Mở ra cơ hội
Ngày 15/9, sự kiện được tổ chức trực tuyến có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu từ 2 nước, bao gồm: đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Nước Môi trường Australia; Bộ Nông nghiệp- PTNT Việt Nam, Sở Nông nghiệp- PTNT của nhiều tỉnh- thành Việt Nam, đại diện các hiệp hội, hợp tác xã, nhiều chuyên gia nông nghiệp hữu cơ và nông dân khắp nơi trên cả nước. TS. Nguyễn Văn Kiền- Trưởng dự án, Giám đốc Công ty Mekong Organics- cho biết: Chính phủ Australia và Việt Nam đang mong muốn đa dạng hóa quan hệ hệ song phương, tạo tiềm năng to lớn cho trao đổi đôi bên cùng có lợi.
Thực tế trước khi bùng phát đợt dịch mới, trong 4 tháng đầu năm 2021 thương mại song phương giữa 2 nước Australia- Việt Nam đã tăng lên 34%. Chính phủ Australia thúc đẩy các cơ hội kinh doanh với Việt Nam; các doanh nghiệp 2 nước cũng có nhiều động thái kết nối, thúc đẩy cơ hội hợp tác làm ăn. Trong khi Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò từ Australia, sẽ có thể mở rộng sang các lĩnh vực rượu vang, lúa mì; thì ở chiều ngược lại Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu các sản phẩm như: gạo hữu cơ, tôm, hạt điều, tiêu, dừa, cà phê,…
Trong bối cảnh đó, theo TS. Nguyễn Văn Kiền, thì Dự án “Thúc đẩy chứng nhận thương mại thực phẩm hữu cơ giữa Australia và Việt Nam” được Mekong Organics thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, sẽ tập trung vào các hoạt động được thiết kế nhằm mục tiêu mở rộng sản xuất và thương mại các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam.
Tầm nhìn ra thế giới
Dự án có 3 phần: đào tạo (OFPCT), diễn đàn hợp tác thương mại hữu cơ Việt- Úc (AVOFT) và diễn đàn thương mại trực tuyến (AVOBT). Dự án sẽ tiến hành đào tạo cho ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, với khoảng 200 thành viên tham gia, gồm: nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhân viên chính phủ, hiệp hội và phụ nữ ở Việt Nam về sản xuất, chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ sử dụng kinh nghiệm từ ngành nông nghiệp hữu cơ Australia và Việt Nam, với mục đích mở rộng thương mại song phương trong lĩnh vực này.
Tại diễn đàn hợp tác thương mại Việt- Australia, sẽ có một loạt các hội thảo trên web hoặc diễn đàn được tổ chức sau mỗi chương đào tạo ở phần 1 để thúc đẩy thương mại thực phẩm hữu cơ giữa Australia và Việt Nam. Chuỗi sự kiện diễn đàn sẽ có 4 phiên, tổ chức trong thời gian từ 1/11/2021- 31/3/2022. Còn diễn đàn thương mại trực tuyến, sẽ giải quyết vấn đề thiếu thông tin trong ngành nông nghiệp hữu cơ giữa 2 nước.
Trong chuỗi hoạt động của dự án, nhận thấy người nông dân sẽ là chủ thể quan trọng, có cơ hội nâng cao vai trò, vị trí của mình. Cơ hội tiếp cận sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự khác biệt trong văn hóa, tập quán canh tác, quan trọng là “mở cửa sổ” cho nông dân Việt Nam nhìn ra thế giới. Tầm nhìn kết nối gia tăng chất xám, định hình nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hoàn thiện chuỗi sản xuất- chế biến- cung ứng thị trường.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG