Sản xuất hữu cơ là cách tốt nhất tránh nhiễm độc thực phẩm và nâng cao giá trị hàng xuất khẩu
Những nghiên cứu về nhiễm độc hóa chất trong nông sản đã cho thấy người tiêu thụ có thể đang bị chết dần chết mòn bởi những nông sản tưởng chừng như đang nuôi sống chúng ta mỗi ngày. Thậm chí, thương hiệu nông sản quốc gia bị đánh giá thấp trên trường quốc tế do nhiễm độc hóa chất bị trả về.
Hàng triệu người dân Việt Nam chắc hẳn đã nghe qua cụm từ “Vệ sinh an toàn thực phẩm”, nhưng có mấy ai tìm hiểu sâu và rộng về nguồn gốc, nguyên nhân của vấn đề này? “Vệ sinh an toàn thực phẩm” không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất chế biến, mà nó là cả một quy trình từ đồng ruộng, nguyên liệu đầu vào, đất, nước,... Để kiểm soát được vấn đề này chúng ta cần phải có thước đo kiểm soát, giới hạn ngưỡng gây nguy hiểm cho con người. Những vấn đề này hiện rất đễ xẩy ra trong các kiểu sản xuất mà chỉ hô hào là sạch, an toàn hay thậm chí GAP, bởi vì trong quy trình sản xuất này vẫn còn cho phép sử dụng một số hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Trong khi, sản xuất hữu cơ, thuốc BVTV hóa học hoàn toàn không được phép sử dụng.
Nghiên cứu về an toàn thực phẩm gần đây cho thấy rằng, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 0,9-1kg thuốc BVTV/năm (theo báo Nongnghiep.vn, 18/6/2022). Thuốc BVTV được sử dụng tại miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1955, thuốc hóa học nhanh chóng dập tắt dịch sâu bệnh hại. Trải qua gần 80 năm, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, khoảng 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV và hơn 30 ngàn đại lý buôn bán thuốc BVTV; Tính theo trọng lượng để so sánh thì Trung Quốc tiêu thụ 1,2 kg thuốc BVTV/người/năm còn Việt Nam là 0,9 kg/người/năm; Người ta ước tính rằng mỗi năm có khoảng 69.238 kg và 43.574 lít thuốc trừ sâu và 69.640 kg gói hóa chất được đưa vào môi trường sống mà không được xử lý thích hợp. Thị trường thuốc BVTV ngày càng mở rộng, trong khi công tác quản lý, thanh tra không kịp ứng phó, kiểm tra theo dõi, hàng hóa trôi nổi, nhãn mác trá hình, hoạt chất cấm độc hại len lỏi âm ỉ trong nông dân. (theo báo Nongnghiep.vn, 18/6/2022)
Hình 1. Vỏ bao thuốc BVTV vứt bừa bãi ở một vùng trồng rau (theo báo Nongnghiep.vn, 18/6/2022)
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã thực hiện một nghiên cứu trên 243 người ở vùng có nguy cơ cao tại Hà Nam (2020) và kết quả cho thấy : gần 85% người nông dân tiếp xúc với thuốc bảo thực vật có lượng tồn dư trong máu khá cao, cần phải đi làm tiếp các xét nghiệm. Một cuộc xét nghiệm nhanh với 67 người tại Hà Nội cũng cho thấy 1 nửa số này bị phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV thông qua hoạt động nghề nghiệp, nông nghiệp, công việc nhà hoặc không trực tiếp thông qua thực phẩm. Da, miệng, mắt, thở là bốn con đường phổ biến mà thuốc BVTV có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Sự phơi nhiễm liên tục với thuốc trừ sâu đã dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau trên con người bao gồm khả năng gây ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, khả năng sinh sản, trao đổi chất và phát triển của con người. Trong đó, tiếp xúc với da là con đường bị nhiễm nhanh và phổ biến khi con người tiếp xúc với thuốc BVTV. (TS. Hứa Quốc Trung, 2020)
Hình 2. Gạo Việt xuất khẩu ồ ạt bị trả về vì "dính độc", (nguồn: Gạo 'dính độc' bị trả về: Xứ người chê thì xứ ta xài?; https.vietnamnet.vn, truy cập 24/6/2022)
Thông tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam, Bộ NN-PTNT, cho biết 1 lô hàng gạo thơm cao cấp giống ST25, nhãn hiệu Nữ hoàng, xuất khẩu vào Bỉ đã phải thu hồi sản phẩm, khuyến cáo người dân không sử dụng khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, cụ thể là chất Tricyclazole - một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo (thanhnien.vn, 2021). Sự kiện này đã có bài báo nêu câu hỏi chua cay: Gạo “dính độc” bị trả về: Xứ người chê thì xứ ta xài? (vietnamnet.vn, truy cập 24/6/2022).
Hình 3. Một lô gạo thơm giống ST25 bị thu hồi tại Bỉ (baophunu, 2021)
Hiện trạng đáng buồn cho người dân Việt Nam, chúng ta đang đưa những hóa chất độc hại từ nguồn thực phẩm bẩn vào cơ thể của chúng ta và gia đình mỗi ngày một cách vô thức; Đã có ai thực sự nhận ra chưa? Nếu như đã nhận ra tại sao vẫn chấp nhận những sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng? Tại sao chúng ta không sử dụng hoặc ủng hộ các sản phẩm Hữu cơ, an toàn cho con người và cả môi trường?. Những năm qua, bao nhiêu lần các sản phẩm nông sản của chúng ta bị trả về khi xuất khẩu do tồn dư thuốc BVTV, cụ thể gần đây là Gạo ST25 xuất sang Bỉ (nongnghiep.vn, 2022) bị trả về, rồi chúng sau khi bị trả về sẽ đi đâu. Chắc chắn là sử dụng cho tiêu dùng trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc. Rất nhiều những bằng chứng, bài học, thất thoát, mất mát sâu sắc, thế nhưng chúng ta dường như chưa thật sự rút ra được bài học cho chính mình. Sự dễ dãi, vô tâm của chúng ta chính là những kẻ hở để những sản phẩm kém chất lượng len lỏi hàng ngày trong mỗi bữa ăn gia đình.
Hình 4. Theo Bộ Công Thương, các cơ quan kiểm dịch tại EU đều đã được thông báo và sẽ nâng các biện pháp kiểm dịch đối với dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ Việt Nam (nguồn: nongnghiep.vn,2022)
Trên thế giới, xu hướng sử dụng các sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Châu Âu (EU), Nhật (JAS), Úc… ngày càng tăng. Các sản phẩm này được sản xuất đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình được đặt ra, sau đó được các tổ chức có thẩm quyền thông qua đánh giá và cấp chứng nhận thì mới được đưa ra thị trường. Các sản phẩm này đảm bảo không gây hại cho con người, cụ thể nói không 100% với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, kháng sinh, và chất biên đổi gen (GMO)… Đối với nước ta, việc sản xuất theo hữu cơ cơ chứng nhận như mới chỉ bắt đầu nhưng đã được một số tỉnh khuyến khích và đầu tư phát triển. Chúng ta hy vọng bước đột phá này sẽ lan nhanh từ các tỉnh như Sóc Trăng, Kon Tum, An Giang…
Hãy thay đổi tư duy, nhận thức ngay hôm nay, bằng việc khuyến khích sản xuất và sử dụng nguồn thực phẩm Hữu cơ trong gia đình, siết chặt hơn vấn đề sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Để thay đổi nhận thức và tập quán canh tác lâu đời của sản xuất thực sự là một quá trình cực kì khó khăn và gian nan. Cần sự quan tâm thực hiện, đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ, cải tạo, xây dựng từ nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước. Phải quyết tâm bền bi, đồng sức đồng lòng mới có thể thực hiện được.
Hình 4. Các mô hình liên kết sản xuất hữu cơ đã hình thành và phát triển, cần quan tâm nhân rộng ra nhièu địa phương, nhiều cây, con…HTX tiêu hữu cơ Linh Nham, tỉnh Gia Lai là một điển hình (nguồn: Viện AOI).
Viện AOI chuyên nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Hữu cơ, nắm rõ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Quốc tế USDA, EU, JAS, Việt Nam… đã hỗ trợ nhiều HTX tại Việt Nam xây dựng các mô hình hữu cơ đạt chứng nhận như: HTX Linh Nham (sản phẩm tiêu, cà phê hữu cơ), HTX Tiến Đạt (Gạo Hữu cơ),… hợp tác cùng hàng chục Doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ có chứng nhận quốc tế và kết nối đưa sản phẩm của các Doanh nghiệp xuất khẩu ra thế giới. Sứ mệnh lớn nhất của Viện AOI là không ngừng lan tỏa, phát triển Nông nghiệp Hữu cơ đến khắp mọi nơi. Trong quá trình đó, chúng tôi rất cần sự cộng tác, thấu hiều từ các cấp nhà nước, sự đồng lòng cộng tác của doanh nghiệp và bà con nông dân để cùng nhau thực hiện được sứ mệnh này. Chúng tôi luôn tin tưởng vào nền Nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ tiến bộ hơn, sản xuất hữu cơ ngày một nhiều hơn; vì chỉ có sản xuất hữu cơ chúng ta mới có thể đảm bảo tốt nhất cho phát triển bền vững.
Nhóm Admin Viện AOI
Tài liệu tham khảo:
https://vtv.vn/vtv8/tieu-diem-phong-tranh-phoi-nhiem-thuoc-bao-ve-thuc-vat-20180803065359.htm
https://nongnghiep.vn/lo-gao-st25-xuat-eu-co-du-luong-hoa-chat-vuot-nguong-cho-phep-d305595.html